Giới Thiệu chung về thị trấn Đăk Tô
3-7-2024
1. Thông tin chung về trụ sở cơ quan, đơn vị:
Tên cơ quan, đơn vị: Đảng ủy – HĐND – UBND – UBMTTQVN thị trấn Đăk Tô;
Địa chỉ: 157 Hùng Vương – Khối 5 thị trấn Đăk Tô – huyện Đăk Tô – tỉnh Kon Tum;
Số điện thoại: 02603.831.251
Địa chỉ thư công vụ: ubndttdto.dakto@kontum.gov.vn
Cơ cấu tổ chức: tổng số CBCC của thị trấn tính đến ngày 01/12/2023 là 30 người, trong đó CBCC: 21 người, người hoạt động không chuyên trách 9 người, gồm các cơ quan, đơn vị: Đảng ủy thị trấn; HĐND thị trấn; UBND thị trấn; UBMTTQ và các tổ chức chính trị xã hội.
2.Thông tin giới thiệu về địa phương:
2.1. Vị trí địa lý: Thị trấn Đăk Tô được thành lập ngày 30/5/1988 theo Quyết định số 96/HĐBT, ngày 30/5/1988 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc phân vạch lại địa giới hành chính huyện An Khê và một số xã, thị trấn thuộc tỉnh Gia Lai – Kon Tum. 
Thị trấn Đăk Tô nằm về phía Bắc của tỉnh Kon tum, cách thành phố Kon Tum khoảng hơn 40 km, có tuyến Hồ Chí Minh chạy qua Trung tâm thị trấn Đăk Tô là đầu mối giao thông với các huyện Đăk Hà, Ngọc Hồi.
* Toạ độ địa lý:   
  • Kinh độ Đông : từ 107000'13" đến 107010' 45"
  • Vĩ độ Bắc        : từ 14045'20"đến 14051'14"
Thị trấn Đăk Tô là trung tâm kinh tế, chính trị của huyện Đăk Tô, có tổng diện tích tự nhiên: 3.953,06 ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là: 2.790,7 ha, trồng các loại cây hàng năm và cây lâu năm; đất Lâm nghiệp là: 511,35 ha; đất nuôi trồng thủy sản: 9,2 ha; đất phi nông nghiệp: 731,59 ha; điều kiện tự nhiên và khí hậu phù hợp với các loại cây công nghiệp dài ngày như: cao su, cà phê, bời lời, tiêu….
 Thị trấn Đăk Tô được chia thành 11 khối, thôn với tổng số hộ: 4014 hộ, 14.850 khẩu, có 03 dân tộc chính (Kinh, Xê đăng và Rơ Ngao) và 13 dân tộc khác (Dẻ Triêng, Tày, Nùng, Thái…) cùng sinh sống trên địa bàn, có đường Hồ Chí Minh đi ngang qua rất thuận lợi cho việc lưu thông, trao đổi hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh.
2.2.Địa hình : Toàn bộ lãnh thổ của thị trấn Đăk Tô nằm ở phía Tây Trường Sơn, có địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây. Phần lớn nằm trên dạng địa hình núi cao trung bình.  
2.3.Khí hậu: Thị trấn Đăk Tô nằm ở tiểu vùng khí hậu Tây Trường Sơn, thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa Tây Nguyên. Theo số liệu quan trắc của Trạm khí tượng Đăk Tô, đặc điểm khí hậu khu vực Đăk Tô như sau:   
  • Nhiệt độ không khí: Chế độ nhiệt tại khu vực là chế độ nhiệt đới gió mùa cao nguyên, nhưng có sự phân hóa rõ rệt giữa các vùng theo độ cao, thông thường khi lên cao 100m, nhiệt độ không khí giảm từ 0,5-0,6oC. Do địa hình có độ cao thấp dần từ Đông Bắc - Tây Nam, nên nhiệt độ tại khu vực phía Tây Nam cao hơn khu vực Đông Bắc phổ biến từ 1-1,5oC. Nhiệt độ không khí tại Đăk Tô thấp nhất vào tháng 12, tháng 1 (trung bình 19oC); đạt cao nhất vào tháng 3, 4, 5. 
  • Chế độ mưa: Chế độ mưa tại khu vực phụ thuộc vào chế độ gió mùa và địa hình. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 05 đến tháng 10 là do tác động của gió mùa Tây Nam mang lại. Từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau do tác động trực tiếp của gió mùa Đông Bắc là mùa khô. Lượng mưa tại các khu vực có địa hình khác nhau cũng khác nhau.  
Mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa chiếm khoảng
20% lượng mưa cả năm. Các tháng mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và có số ngày mưa phổ biến khoảng 15-20 ngày/tháng.
  • Độ ẩm không khí: Độ ẩm không khí phụ thuộc vào chế độ mưa, tháng mưa nhiều thì độ ẩm cao và ngược lại. Độ ẩm thấp nhất xảy ra vào tháng 3, phổ biến từ 72-73%, cao nhất xảy ra vào các tháng 7, 8, 9, 10; phổ biến là 89-90%.
  • Số giờ nắng: Các tháng mùa khô trời quang mây tạnh nên có số giờ nắng cao và ngược lại, các tháng mùa mưa do trời mưa, nhiều mây có số giờ nắng thấp. 
          2.4. Tiềm năng và các nguồn tài nguyên trên địa bàn:  
           2.4.1. Tài nguyên đất:
Căn cứ vào một số kết quả điều tra, nghiên cứu về phân loại lập bản đồ đất tỉnh Kon Tum theo phân loại định lượng FAO-UNESCO, trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Bỉ (1997-2002) và căn cứ và kết quả điều tra bổ sung, nghiên cứu phẫu diện đất điển hình trên địa bàn huyện Đăk Tô (2005-2006) của Viện Môi trường và Phát triển bền vững. Kết quả phân loại đất cho thấy thị trấn Đăk Tô có 3 nhóm đất chính: Nhóm đất phù sa, nhóm đất xám và nhóm đất đỏ vàng. * Tài nguyên nước:
* Tài nguyên nước sông ngòi: Thị trấn Đăk Tô có sông Đăk Tờ Kan chảy qua địa bàn các khối 1,2,3,4,5,7,8,9 và Đăk Rao Lớn. Sông này bắt nguồn từ dãy núi  Pang (Tu Mơ Rông), chảy theo hướng Bắc-Nam qua địa bàn các xã Văn Lem, Ngọc Tụ, Kon Đào và thị trấn Đăk Tô, nhập vào sông Đăk Pô Kô tại giáp ranh thị trấn với 02 xã Pô Kô và Tân Cảnh.
  • Tài nguyên nước mặt: Lượng mưa trung bình từ 2.400 – 2.600 mm/năm, nên nguồn nước mặt rất lớn, nhưng 80% lượng mưa tập trung vào các tháng mùa mưa và hệ thống sông suối trên địa bàn huyện nhỏ, hẹp, có nhiều thác, ghềnh, sườn dốc đứng nên khả năng giữ nước hạn chế.
  • Tài nguyên nước ngầm: Mưa là nguồn cung cấp nước chính cho các nguồn nước ngầm ở tỉnh Kon Tum nói chung, thị trấn Đăk Tô nói riêng. Theo đánh giá và nghiên cứu cân bằng nước thì có khoảng 12,5-18% lượng nước mưa thấm xuống đất, trong đó có khoảng 8,5-9% bổ sung cho các tầng nước ngầm dưới đất.
2.4.2. Tài nguyên rừng:
Căn cứ Quyết định số 63/QĐ-UBND, ngày 17/02/2023 của UBND huyện Đăk Tô về việc công bố hiện trạng rừng huyện Đăk Tô năm 2022. Tổng diện tích tự nhiên của thị trấn là 3.953,06 ha với tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn là 1.948,26 ha, trong đó diện tích rừng là 862,74 ha (Cụ thể: rừng tự nhiên là 108,21 ha và rừng trồng là 754,53 ha), đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp là 1.085,52 ha, độ che phủ của rừng đạt 21,8 %. 2.4.3. Tài nguyên khoáng sản:
Địa bàn thị trấn có 01 điểm khai thác cát sỏi tại thôn Đăk Rao Lớn được UBND tỉnh cấp phép số 996/GP-UBND ngày 15/9/2017. 
2.4.4. Tài nguyên du lịch:
Trên địa bàn thị trấn có 01 điểm du lịch: Di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó, thị trấn có 02 khối, thôn (Khối 1 và thôn Đăk Rao Lớn) là nơi cư trú của trên 90% người đồng bào dân tộc Xê Đăng, Ba na có truyền thống văn hoá lâu đời, phong phú và giàu bản sắc, với các lễ hội văn hóa truyền thống, biểu diễn cồng chiêng, múa xoan, nghề truyền thống của người dân tộc bản địa được lưu truyền và phát huy tạo nên những bản sắc riêng đặc trưng cho khu vực Bắc Tây nguyên.
2.4.5 Một số sản phẩm đặc trưng của địa phương: - Trà sâm dây Ngọc Linh Lâm Thịnh của Công ty CP thương mại sản xuất và dịch vụ Lâm Thịnh (đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh).
  • Trà sâm dây Ngọc Linh DATO của Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên (đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh).
  • Cà phê rang xay đóng gói của HTX NN và DVTM Rạng Đông (đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh).
  • Khổ qua rừng phơi khô đóng gói, 01 sản phẩm trà khổ qua rừng của Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên (đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh).
  • Hạt Mắc ca tách nứt của Công ty TNHH MAC CA HD (đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh).
  • Bên cạnh đó còn có các sản phẩm nông sản khác được sản xuất, chế biến tại địa phương: măng khô, thịt gác bếp, yến sào…

Nguyễn Diên Bình  
Số lượt xem:465